Wednesday 30 September 2015

Chế ngự Tham - Sân - Si

  
 Khi có một sự việc nào đó hay một ai đó gây cho ta một cảm giác tức tối, bực bội, hay một linh cảm về sự phản bội ... Thì Tâm ta luôn khởi lên những duyên khởi này mặc cho ta có bận trăm công ngàn việc phải suy nghĩ, trăn trở... hễ cứ ngơi ra là ta thấy những duyên khởi này hiện hữu và dẫn dắt dòng suy nghĩ để hối thúc ta có những hành động, thậm chí chúng xen ngang phá vỡ tư duy công việc của ta ... Hãy niệm tên những thứ cảm xúc đó trong đầu, theo dõi sát những chuyển biển của duyên khởi tiếp theo để niệm cho phù hợp. Như vậy những căng thẳng sẽ dần dịu bớt, một hướng đi sẽ mở ra cho chúng ta như xoá hết những âm u bao phủ của mây mù Tham Sân Si.

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

   
 Nhân có khoảng thời gian thư nhàn chiều thứ bây và cũng là thể theo yêu cầu của ông bạn đồng môn muốn tôi viết chuẩn chỉ chữ Hán câu: " Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ / vô duyên đối diện bất tương phùng ", xin được mạn phép quý vị trình bày một số phân tích trước khi viết câu trên như sau:
- Trước hết xin quý vị bỏ qua cho cái tính đã dốt lại hay nói chữ của tôi và có là " thùng rỗng hay kêu to " thì một lần nữa cũng mong quý vị bỏ qua và coi như là những dòng chữ ngô nghê để mua vui đôi phút ở trang blog vậy. 
- Thường chúng ta vẫn hiểu một cách nôm na đơn giản là:
Có duyên thì cách xa nhau ngàn dặm vẫn sẽ gặp nhau
Không có duyên thì gặp mặt nhau cũng như không gặp.
- Theo tôi câu đối thật là vô đối này nó vô cùng tinh tế, vi diệu và rất nhiều hướng dẫn giải theo chữ Hán cũng như âm Hán Việt. Với chữ " duyên " ở đây có thể hiểu là nhân duyên ( sự cảm nhận tương đồng của con người về tình cảm, ý thức, ý chí, trí tuệ, mong muốn.... ), duyên tình ( thiên về tình yêu đôi lứa ), hay như duyên khởi ( những thứ linh cảm đặc biệt tự xuất hiện trong mỗi con người và hướng cho họ đồng cảm với một người nào đó ), duyên phận, duyên cớ, ... 
- Chữ " thiên lý " cũng được hiểu theo nhiều cách như " ngàn dặm ",  " ngàn lý lẽ " hay " lý lẽ xa xôi " .... 
- Chữ " ngộ " được hiểu theo nhiều nghĩa như " hội ngộ ", " ngộ ra một điều gì đó ", " giác ngộ " ...
- Khi xét vế thứ hai của câu thơ đối này chúng ta dễ lựa chọn cách viết cho vế thứ nhất hơn, ví dụ như cụm từ " đối diện" ở vế thứ hai, nó là một sự gần gũi có ý nghĩa rõ hơn về khoảng cách thì ta thấy nên chọn cụm từ " thiên lý " nghĩa là " ngàn dặm " hay ngàn hải lý " cho vế thứ nhất. Còn với từ " ngộ " nếu hiểu là " hội ngộ " thì nghĩa cũng phù hợp nhưng tính bao hàm rộng hơn của cái " duyên " được nói lên ở đây không thể bao quát và vi diệu hơn cái " ngộ " trong nghĩa " giác ngộ, ngộ ra, hiểu ra " bởi hội ngộ rồi nhưng chưa chắc đã " ngộ " được ra, khi đó nó có thể rơi sang tình trạng trong câu thơ của vế đối thứ hai ( vô duyên đối diện bất tương phùng ). Chữ " Phùng " ở đây chỉ mang nhiều ý nghĩa về sự gặp nhau, tình cờ gặp, và cũng có nghĩa là " đón ý ", " đón rước, phụ hoạ, làm theo " ... Vậy để phù hợp cả hai vế thì chữ " ngộ " ở vế thứ nhất có nghĩa là " ngộ ra hay giác ngộ " còn chữ " phùng " ở vế thứ hai có nghĩa là  " hợp ý, làm theo ".
- Tạm dịch nghĩa đôi câu thơ đối nhau trên như sau: 
Có duyên thì cách xa nhau ngàn dặm vẫn cùng sự giác ngộ ( hiểu ý của nhau ). 
Không có duyên thì gặp mặt nhau cũng như không gặp ( không theo ý của nhau ). 

Với nội dung " múa rìu qua mắt thợ " trên, tôi bạo gan bạo phổi viết chữ Hán cho đôi câu thơ đối bất hủ trên, kính mong quý vị cho ý kiến góp ý, tôi xin chân thành cám ơn ! 
( chữ mới tập viết có gì quý vị thông cảm ! )

- Có duyên là do có sự ngộ ra, giác ngộ đồng điệu với nhau, ( hiểu ý nhau ), không có duyên thì có gặp nhau cũng như không ( vô duyên đối diện bất tương phùng ), vậy nếu có duyên chỉ là sẽ gặp được nhau thì sau đó gặp nhau rồi mà không hiểu nhau lại coi như không và lại là không có duyên. Còn chữ lý (里) có nghĩa là phía trong, sâu xa,...không hợp bằng chữ lý(浬) nghĩa trong từ hải lý, dặm để đo khoảng cách. Còn chữ tương hội (相会) là sự hội tụ, gặp lại, hội lại như vậy thì chưa đủ vì nếu có gặp lại mà không có những điều cảm nhận " giác ngộ hay là tương ngộ " với nhau thì lại " bất tương phùng ". Điều này lại rơi vào vế đối thứ hai là vô duyên, vậy nên mâu thuẫn không dùng mà dùng từ tương ngộ ( 相悟 ). Ngộ ở đây không phải là hội ngộ mà là giác ngộ, ngộ ra, hiểu ra.
Còn có câu: 
hữu duyên thiên lý lai tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng 
Và thường mọi người giải thích là có duyên thì dù xa vạn dặm cũng sẽ gặp nhau và vô duyên thì gặp mặt cũng cách lòng. Như vậy thì có duyên chỉ là sẽ gặp nhau còn khi gặp nhau rồi mà không hiểu nhau thì lại là vô duyên. Vậy sao gọi là có duyên với nhau mà chỉ là ngộ nhận. Chi Khi có những sự suy nghĩ, cảm nhận ... " Ngộ " ra nhau thì lúc gặp nhau sẽ không còn sự " bất tương phùng " và đó mới là có duyên. Hay quan niệm hiện đại là cứ gặp nhau là có duyên, ngay sau đó ko hiểu nhau lại thành vô duyên vậy ?
- Đúng là còn lăn tăn và phân vân, nhưng ngẫm lại thì chỉ vì một chữ duyên ( 缘 ) mà thôi. Co tranh luận mới ra vấn đề, khi hiểu chữ duyên theo các nghĩa như: duyên cớ, duyên tình, duyên phận, duyên khởi, duyên nợ ... mới thấy dùng tương hội (相会), hay dùng tương ngộ (相遇), hay dùng tương ngộ ( 相悟 ) đều có thể hợp. Ví như chúng ta có duyên cớ thì chúng ta gặp nhau, nhưng chúng ta không có duyên phận ( vô duyên ) thì sao ta thành anh em, bạn bè ( bất tương phùng ). Hoặc như chúng ta có duyên tình nhưng không có duyên nợ và duyên phận thì có gặp nhau đấy nhưng rồi lại ( bất tương phùng ) vì chúng ta cũng không thành vợ chồng ... Vậy nên cách dùng câu này thực tế có sự khác nhau trong dùng từ và chữ nhưng ý nghĩa gần như không khác nhau mấy, nhưng khi dùng chữ 悟 là mức độ cao nhất của cái duyên để có thể không xảy ra mâu thuẫn ở vế thứ hai của đôi câu đối này. 





Tuesday 22 September 2015

Đàm đạo về Tâm - Ý - Thân


Linh Tam: xin đạo hữu Khải Tâm Trịnh khai ngộ cho tôi biết Tâm mình ở đâu. Chân thành cảm ơn!
- TMH: Xin cho hỏi Linh Tam có tu tập thiền theo thiền Tứ Niệm Xứ không ?
Khải Tâm Trịnh: Theo các bạn thân,khẩu,ý hành do đâu mà sanh khởi,và chịu sự tác động,chỉ đạo bởi đâu?
- TMH: Theo cảm nhận của bản thân khi tập thiền Tứ Niệm Xứ, tôi nhận thấy được mối quan hệ của Tâm - Ý - Thân. Trong đó Tâm tác ý, ý khiến thân và thân hành động. Khẩu ở đây cũng thuộc hành động của thân, thực chất miệng là một bộ phận của thân để nói nên cái ý đã được tạo tác từ Tâm ra thôi. Còn Tâm thì luôn thay đổi ( không thường hằng ). Tôi thấy luôn có những biến đổi ở Tâm để dẫn hướng cho những suy nghĩ, phân tích  ( ý ) của chúng ta, tôi gọi đó là những duyên khởi. Khi những duyên khởi cứ dấy lên về một chủ đề nào đó thì nó sẽ dẫn dắt và tạo tác cho những ý nghĩ, phân tích của chúng ta để rồi khiến thân ta hành động. Và cả quá trình đó sẽ tạo nên nghiệp của chúng ta, từng giây, từng phút, ... Và cả cuộc đời.
Khải Tâm Trịnh: Tâm có phải là ý không ? 
- TMH: Tâm không phải là ý, ý là cái của tự bản thân ta và được xây dựng trong chúng ta qua kinh nghiệm sống, qua những học tập, rèn luyện hàng ngày ... Và ý có nghĩa là cái ý chí, trí tuệ để phân tích sự việc. Khi thiền ta niệm các từ phù hợp với đối tượng xuất hiện tức đó là cái ý, còn đối tượng xuất hiện đó chính là các duyên khởi thuộc Tâm.
Khải Tâm Trịnh: Vậy "Vạn Pháp do duyên sanh",hay "Vạn Vạn Pháp duy Tâm tạo" có phải là 1 k,và"Ý dẫn đầu các Pháp,Ý làm chủ tạo tác" hay"Tâm làm chủ các Pháp,Tâm làm chủ,tạo tác" nên hiểu thế nào cho đúng vậy bạn?

- TMH: Theo bản thân cảm nhận thì " vạn pháp do duyên sinh " có thể hiểu như duyên khởi dấy lên trong Tâm sẽ tạo lên Nghiệp mỗi người qua quá trình vận hành của Tâm - Ý - Thân. Còn " Vạn vạn pháp duy tâm tạo " có thể hiểu rằng duyên khởi từ tâm không phải chỉ do kiếp sống hiện tại tạo nên mà còn có những duyên khởi ẩn chứa trong Tâm từ vạn, vạn kiếp mỗi chúng ta sẽ dấy lên để dẫn dắt, ví dụ như tự nhiên chúng ta có một linh cảm gì đó chẳng hạn. Còn pháp của Ý " làm chủ tạo tác " có lẽ nên hiểu và chứng thực rằng khi thiền Tứ Niệm Xứ thì ta niệm kịp những duyên khởi dấy lên sẽ khiến Tâm trở về Tĩnh lặng và không có duyên khởi nào xuất hiện kịp cũng như ý của chúng ta không có thời gian để phân tích, suy diễn và khiến thân, .. Như vậy sẽ dừng tạo nghiệp.


Duyên khởi nơi Tâm ta



Hãy hình dung Tâm ta như một bộ nhớ của các thiết bị vi tính hiện đại ngày nay. Và Tâm sẽ lưu lại tất cả những gì chúng ta thấy, cảm nhận thấy từng giây, từng phút ... cả cuộc đời. Những điều chúng ta muốn hay không muốn cũng được ghi nhận lại và dần dần nó tạo thành tầng tầng lớp lớp lưu trữ ở trong Tâm, khi cần chúng ta có thể lục tìm được chúng hoặc bất chợt chúng hiển hiện lên khiến ý thức chúng ta cảm nhận thấy một cách rõ ràng. 
Khi chúng ta dùng ý chí của mình để theo dõi những gì xuất hiện nơi Tâm ta, ta thấy nó luôn thay đổi và thật khó đoán định. Như khi ta thấy Tâm ta đang chú ý nghe giảng bài thì bất chợt thấy nó lại dẫn ta nghĩ đến muốn nói chuyện với bạn bên cạnh, hoặc như ta đang đọc những dòng chữ này thì Tâm ta lại hiện lên câu hỏi rằng người viết này có đáng tin không hoặc như ôi dào ông này dở hơi viết lung tung, đã làm được cái gì cho đời, hoặc như ta đang nói chuyện với bạn bè thì chợt nghĩ đến công việc cơ quan đang dở dang, vi diệu hơn như khi ta biết một tin về lợi nhuận nuôi cá lồng bè từ một bài viết trên internet và nhân dịp về quê ta kể chuyện lại cho một người bạn thì sau đó một thời gian người bạn đó nuôi cá lồng bè và thu nhập tiền tỷ một năm ... vvv rất nhiều những điều được ghi nhớ trong Tâm và khởi lên trong ta vào một lúc nào đó.
 Vậy là có tầng tầng lớp lớp những duyên khởi được lưu trữ trong Tâm để có thể dấy lên bất cứ lúc nào để ảnh hưởng, tạo tác cho ý nghĩ, phân tích của chúng ta. Làm cách nào để chúng ta bóc bỏ chúng ra dần dần dần cho đến khi còn cái Tâm nguyên thuỷ. Tâm nguyên thuỷ được hiểu nôm na như là một chiếc đĩa cd trắng hay một bộ nhớ trống vậy, hay là trạng thái Tĩnh lặng của Tâm, hay như định Tâm trong thiền định.
Cũng như việc ta quay tua lại một cuốn băng để trở về điểm đầu tiên của sự ghi nhận thì thiền Tứ Niệm Xứ trước mắt dùng ý của mình để niệm những điều Tâm thấy, Tâm cảm nhận ( duyên khởi ). Thời gian đầu thì ý của chúng ta luôn đi sau những điều này, nhưng rồi dần dần việc tu tập của chúng ta tiến triển thì ý đi theo sát, nắm bắt và niệm kịp thời những duyên khởi khiến Tâm luôn được kiểm soát, đồng thời Ý cũng không có thời gian phân tích và điều khiến Thân thể ta được. Khi này ta thấy tất cả mọi thứ ập đến hay những thứ tự gợi lên từ Tâm đều thay đổi liên tục. Khi Ý đuổi kịp duyên khởi nơi Tâm thì chuỗi quan hệ tạo lập Nhân Quả ( TÂM tạo tác Ý, Ý sai khiến Thân và Thân hành động ) bị phá vỡ. Tâm không dẫn dắt ý của ta được và Ý cũng không có đủ thời gian để phân tích rồi sai phái Thân ta hành động để hoàn tất một Nghiệp do Tâm mong muốn ( mỗi khi Ý phân tích là Tâm lại dẫn dắt và ta lại niệm lên khiến Ý không thể chuyển những phân tích đó thành hành động nơi cơ thể chúng ta vậy ) .. Lúc này tương tự như cuộn băng đã tua về điểm đầu, và như vậy Tâm rơi vào trạng thái tĩnh lặng, Thân ( cơ thể ) được nghỉ ngơi. Để đạt được trạng thái này thì chúng ta phải hình dung sự tu tập ý chí ( cái Ý nói ở trên ) phải rất bền bỉ và chăm chỉ cùng với giữ giới trong cuộc sống thường ngày để loại bớt những duyên khởi tạo lên cho Tâm giúp Ý nắm bắt các duyên khởi một cách vi diệu hơn. 
Còn qua được giai đoạn ĐỊNH TÂM sẽ là một thế giới mới mở ra cho chúng ta những điều kỳ diệu, những luận giải và mô tả xin phép quý vị cho tôi được lui thời gian lại bởi khả năng và thực tế chưa cho phép.

Saturday 19 September 2015

Hương vị mùa hạ



Hạt mưa đầu mùa hạ
Đan chéo qua khung cửa
Ánh trong mắt biển tình
Chớp lóe sáng trời chiều
Hay tình trong mắt em !
( Viết ngày 4/5/1992 tại P304, ký túc xá sinh viên - Đại học Kiến trúc Hà Nội )

Friday 18 September 2015

Môn khoa học của Tâm

Nếu ta không học về ngành xây dựng và chưa từng được chứng kiến công việc xây dựng thì khi có ai đó bảo ta rằng trong những ngôi nhà xây đẹp đẽ kia có cốt thép ở bên trong, điều này chúng ta thấy đầy thắc mắc và thật khó tin. Cũng như ai đó nói với ta rằng luôn có duyên khởi xuất hiện trong Tâm ta để dẫn dắt ta đi theo con đường nghiệp của mình thì sao ta tin cho được, bởi ta chưa nghiên cứu về con đường Phật đã chỉ lối, ta chưa hành thiền Tứ Niệm Xứ để cảm nhận được rằng trong ta tồn tại những điều ta chưa hề thấy rõ đó là Tâm  - Ý - Thân.

( Biển Quỳnh Phương, hè 2014 ) 

Tuesday 15 September 2015

Cõi nhân gian

Đôi chân đưa ta đến những nẻo đường của cuộc đời, dưới chân ta cát mịn và sóng biển vui đùa...
Nét thời gian trong nhịp thở của thiên nhiên, bao kiếp nhân duyên trải theo cõi thế gian này ...


Biển Quỳnh Phương, tháng 6 năm 2015

Sunday 13 September 2015

Tiếng sét



Qua khung cửa anh gặp ánh mắt em
Cả vũ trụ quay cuồng trong hư ảo

Làm chuyển xoay nhịp đập vĩnh hằng 

...và xoá đi đôi hàng song cửa.

Cuốn anh vào ánh mắt long lanh.


( Thời sinh viên, viết tại p304, ký túc xá sinh viên - Đại học kiến trúc Hà Nội, tháng 9 năm 1991 )

Wednesday 9 September 2015

Tiên cảnh Côn Sơn



( Hình ảnh minh họa - sưu tầm ) 

Bàn Cờ Tiên một cõi mơ màng
Sương khói mênh mông làng quê xa
Thông đứng như nêm xanh sườn núi
Bậc đá nhấp nhô du bước chân.

( Viết tại Côn Sơn, ngày 16 tháng giêng năm Ất Hợi - 1995 )


Côn sơn một chiều xuân



( Hình ảnh minh họa - sưu tầm )

Dạo chơi Côn Sơn, thông vi vút.
Từng bước thả hồn tới thiên đàng.
Xa xa sông hồ thành bức họa
Du bước chân ta tới Niết Bàn.
Suối nước len lỏi từng tảng đá
Bãi cỏ xanh nõn một chiều xuân
Đất thiêng hình hài thêm thanh khiết
Xa rồi ... hay đến Bàn Cờ Tiên. 

( Viết tại Côn Sơn, chiều 16 tháng giêng năm Ất Hợi - 1995 )