Thursday 8 October 2015

Vũ vô kiềm toả năng lưu khách


  " Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
   Sắc bất ba đào dị nịch nhân "
là đôi câu đối của một người làm hay của một người ra và một người đối lại? Người (hoặc những người) đó là ai?
Hai câu đối trên đã được Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch ghi lại trong giai thoại sau đây:
  ''Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông-mặc (làng Me) huyện Đông-ngàn (nay là Từ-sơn) Bắc-ninh. Sống vào khoảng đầu thế kỷ XVI, sinh năm 1482, mất năm nào không rõ. Ông lúc nhỏ, học rất thông minh, mới mười sáu tuổi đã thông hiểu rất nhiều sách vở, sau đỗ trạng nguyên nên tục gọi là Trạng Me.
 Một hôm đang học ở trường, thầy học là thượng thư Đàm Thận Huy vừa giảng bài xong thì trời sập mưa, học trò đều phải ngồi lại. Ông Huy nhân thấy vậy, bèn ra một câu đối để học trò cùng đối cho vui:
                   Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
nghĩa là: Mưa không có then khóa mà giữ được khách.
Nguyễn Giản Thanh đối ngay rằng:
                        Sắc bất ba đào dị nịch nhân
nghĩa là: Sắc đẹp chẳng phải sóng gió mà làm đắm đuối người ta
 Ông Huy xem xong khen rằng: ''Câu này đối hay lắm, giọng văn này có thể đỗ trạng được, nhưng sau tất mê đắm vào vòng sắc dục làm hại lây đến sự nghiệp''.
            Tiếp đó, một người học trò tên là Nguyễn Chiểu Huấn lại đối:
                        Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân
nghĩa là: Mặt trăng giống cái cung mà chẳng bắn ai.
            Ông Huy phê: ''Câu này kém sắc sảo, không hay bằng câu kia, nhưng tỏ ra khí chất hiền hòa, sau này sẽ làm nên, cuộc sống sẽ chu toàn”.
            Sau đó, lại có một người học trò khác đối rằng:
                        Phẩn bất uy quyền dị sử nhân
nghĩa là: Phân cứt chẳng uy quyền gì mà dễ sai khiến người.
            Ông Huy phê: ''Sau này sang nhưng là hạng bỉ lậu!
            Quả nhiên, mấy năm sau, Nguyễn Giản Thanh đỗ thủ khoa, rồi đỗ trạng nguyên đời vua Lê Uy Mục (1508), làm Lễ bộ thượng thư, nhưng vì say đắm một cô gái đẹp ở Kinh mà đến ô danh bại giá. Còn Chiểu Huấn chỉ đỗ bảng nhãn nhưng làm quan và sống yên ổn không xảy ra chuyện gì cả. Riêng người học trò kia sau cũng vào bậc hào phú trong vùng, nhưng ai cũng phê là hạng thô lỗ, bỉ ổi".
(Giai thoại văn học Việt Nam,Hà Nội, 1988, trang 56-58)
            Nhưng Việt-nam tự-điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, q.hạ, phần II, tr.301, thì lại chép như sau:
            ''Thuở nhỏ, Nguyễn Trãi đi học tại nhà một ông đồ. Một bữa tan học mà trời mưa dai, tất cả học trò đều không về được. Thấy thế, thầy bèn ra câu đối để các trò có việc làm mà đợi mưa tạnh.
            Vũ vô thiết-tỏa năng lưu khách
            Trong tất cả các câu đối lại của học trò, chỉ có câu  của Nguyễn Trãi hay nhất:
                        Sắc bất ba đào dị nịch nhân
nên được thầy khen nhưng bảo sau này Nguyễn Trãi sẽ bị hại vì nhan sắc đàn bà. Và chúng ta đã biết vụ án " Lệ Chi viên " xảy ra khiến Nguyễn Trãi và toàn bộ gia đình, họ tộc bị tru di, đây là điều đau buồn trong lịch sử Việt Nam.

No comments:

Post a Comment