Saturday 3 October 2015

Trải nghiệm Thiền Quán với giấc ngủ và sức khoẻ

Trải nghiệm Thiền Quán với giấc ngủ và sức khỏe

Trích trong Thực Tập Thiền Quán" :
Dĩ nhiên chẳng ai muốn đau khổ và mọi người đều cố gắng tìm kiếm hạnh phúc. Khắp nơi trên thế giới nhân loại đang tìm đủ cách để ngăn ngừa hoặc làm vơi đi nỗi đau khổ và tạo an vui hạnh phúc. Tuy nhiên mục đích chính yếu của họ chỉ nhằm tạo hạnh phúc thể chất bằng phương tiện vật chất. Thật ra, hạnh phúc hay không đều do ở tâm của chúng ta. Vậy mà rất ít người nghĩ đến vấn đề phát triển tinh thần. Những người muốn rèn luyện tinh thần lại càng hiếm hoi hơn nữa.
Để thỏa mãn những nhu cầu vật chất người ta thường để tâm đến những việc tầm thường như tắm giặt sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng. Họ quan tâm nhiều đến việc kiếm thức ăn, quần áo, nhà cửa. Tiến bộ khoa học đã giúp họ nhiều trong việc nâng cao đời sống vật chất: chẳng hạn những tiến bộ trong sự chuyên chở và truyền tin, những phát minh y học để ngừa bệnh và trị bệnh. Phải nhìn nhận những cố gắng ấy rất ư là quan trọng, nhưng chúng chỉ giúp bảo vệ và nuôi dưỡng cơ thể mà thôi. Những phát minh và những thành công đó không thể nào tiêu diệt hay giảm thiểu được nỗi khổ của tuổi già, bệnh tật, gia đình xáo trộn và khủng hoảng kinh tế.
Tóm lại, không thể nào thỏa mãn nguyện vọng con người bằng phương tiện vật chất. Chỉ có sự rèn luyện tinh thần mới có thể giúp con người vượt qua những nỗi đau khổ này. Bởi vậy phải tìm một phương cách hữu hiệu để rèn luyện, ổn định và thanh lọc tâm hồn. Phương cách này được tìm thấy trong MahaSatipatthana Sutta, một thời pháp mà đức Phật đã giảng dạy cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm. Đức Phật dạy:

"Đây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm, chấm dứt lo âu, phiền muộn, tiêu diệt thân bệnh và tâm bệnh, đạt thánh đạo và chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ"."
  Trên là đoạn trích trong bài viết "Thực tập Thiền Quán" của Hòa thượng Mahasi Sayadaw. Tôi tự mình thực hành và chiêm nghiệm theo những chỉ dẫn trong bài viết này một thời gian dài theo cách của một người bình thường (chỉ thực hiện được 5 quan trai ) nhưng đã nhận cảm được rõ việc khống chế tâm để tập trung suy nghĩ, để cân bằng tránh căng thẳng và đặc biệt việc thực hiện thiền Tứ Niệm Xứ giúp xóa hẳn chứng mất ngủ dai dẳng từ thời sinh viên đến gần đây. Không phải là cứ tập thiền thì tự chứng mất ngủ sẽ hết mà tôi cảm nhận được mình đã có thể khống chế được nó bằng thiền quán. Khi thấy khó ngủ, tâm bất an tôi thực hiện thiền Tứ Niệm Xứ, từng bước, từng bước trong kiểm soát hơi thở và thầm đọc các hình ảnh nơi tâm ta tiến tới ( các trạng thái hiện ra hoặc ập tới ) sẽ triệt bỏ dần dần hết những rối loạn, căng thẳng của tâm và giấc ngủ đến nhẹ nhàng.
  Thực ra, thiền theo cách của mình như vậy là chưa đi đến đâu trên con đường của nhà Phật, nhưng về mặt dưỡng sinh thân tâm để giữ gìn sức khỏe thì đối với con người bình thường như tôi đó cũng là điều vô cùng may mắn nhận được nơi Phật Pháp.
  Để cảm nhận và thực hiện được điều ích lợi trên cũng phải mất rất nhiều thời gian luyện tập theo Thực tập Thiền Quán chứ không đơn giản chỉ là chúng ta quan sát hơi thở, hình ảnh, ý niệm, suy nghĩ rồi thầm đọc trong đầu là sẽ đạt được. Thời gian đầu, tâm của chúng ta sẽ chạy lòng vòng rất khó kiểm soát ( hãy hình dung ta đuổi theo dòng suy nghĩ của ta để đọc thầm trong đầu về những gì tâm hiện lên cho chúng ta thấy, khi rơi vào khoảng không ta lại quay về quan sát và đọc hơi thở của chính mình rồi lại đuổi theo tâm ta ... )...cũng phải mất khá nhiều thời gian mới trải nghiệm được phần nhỏ này ( nhưng chắc tùy theo nhân duyên của từng người sẽ nhanh chóng cảm nhận được hay là rất lâu.).
   Hy vọng với đoạn viết nhỏ này cùng điều trải nghiệm có ích của tự bản thân mình sẽ có ích cho mọi người khi  đọc nó và cảm nhận nơi Phật Pháp nhiệm mầu !


Thanh lọc Tâm từ thiền quán Tứ Niệm Xứ

( Bài viết này đã được đăng ngày 05/8/2013 tại đây:    http://yhoccotruyenvn01.blogspot.com/2013/08/thanh-loc-tam-tu-thien-quan.html )
  ( Hồ Ba Bể - tháng 05 năm 2013 )
    Khi bạn mệt mỏi, đau đầu hoặc khi cơn đau bệnh tật hành hạ cơ thể và cả khi gặp những vấn đề căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày ... Hãy bình tĩnh, đến nơi yên tĩnh để thực hiện thiền quán. Đó có thể là một căn phòng mộc mạc đơn sơ, có thể là không gian tĩnh lặng của một khu vườn, khu rừng ... Và với tư thế cảm thấy thoải mái cho cơ thể nhất như có thể là thong thả đi bộ, nằm, hoặc ngồi xếp chéo chân  ...
Hãy từ từ hít thở không khí trong lành và lắng nghe không gian tĩnh lặng, bạn cảm thấy rõ nhịp thở của mình, rồi những bước chân thong thả trên thảm cỏ êm ... Bắt đầu ta quán sát cảm nhận của chính ta, đây là hơi thở phồng xẹp nơi bụng, không khí luồn êm bên cánh mũi, đây là nhịp nhấc rồi đưa chân bước đi, cùng đó đôi cánh tay đưa đẩy theo nhịp bước ... Bất thần tiếng chim hót lảnh lót bên tai, làn sương buổi sớm bay nhè nhẹ hơi mát lành bên má ... Rồi tự mình lại nghĩ sao ta cứ mải lao đầu vào công việc mà không để ý đến những điều nhỏ nhặt của tự nhiên, Thiên nhiên đang hàng ngày tác động xâm nhập vào ta , dòng suy nghĩ ấy cứ miên man trong khi đôi chân ta vẫn bước, hơi thở của ta vẫn theo nhịp điệu muôn đời ... Ta lại quay về quan sát hơi thở của mình ...
Vậy đấy, cứ quán sát kỹ càng qua thời gian tĩnh lặng ta lờ mờ nhận ra rằng ta có hai ta, đó là một thứ suy nghĩ được ta làm chủ  và một thứ chạy trước dẫn dắt ta, đây là điều kỳ diệu nhất sẽ thấy và cảm nhận rõ khi qua nhiều lần thiền quán. Hãy hình dung và cảm nhận đơn giản như trong khi ta đang nói chuyện với ai đó thì tâm của ta lại chạy đến một chỗ khác ví dụ như là lo về một công việc nào đó đang dở dang chẳng hạn, rồi câu chuyện đang nói sẽ bị ảnh hưởng, có thể dùng từ chợt nhớ về một việc gì đó cho hiện tượng này. 
Khi thiền quán, ta dùng suy nghĩ do ta làm chủ ( hiểu nôm na ) để đuổi theo sự đỏng đảnh của cái tâm vô hình ( tạm gọi vậy ) dẫn dắt và thầm niệm những hình ảnh, âm thanh trên con đường tâm vô hình gặp phải hay hiện diện rồi ta lại nhận thấy điều kỳ diệu nữa khi thấy trong ta có hai ta. Ví dụ nhỏ sau đây: khi ta mải đuổi theo tâm để đọc ( niệm ) các đối tượng xuất hiện thì có thể có hiện tượng chưa bao giờ ta thấy đó là cơ thể ta có những động tác không  do ta muốn ( điều khiển ) như nuốt nước bọt, gãi chỗ ngứa, thậm chí là trở mình ( nếu nằm quá lâu )...
Vâng, viết đến đây thì thú thực là cái tâm dẫn dắt của tôi đã ngắt dòng suy tư miên man trên và hướng cho tôi rằng cần đi vào vấn đề trọng tâm của những dòng chữ đầu tiên của bài viết này ...