Wednesday 21 October 2015

Luận bàn về TÂM và Ý

   ( Xin quý vị hãy gạt bỏ những ý nghĩ dấy lên trong Tâm mình về người viết những dòng chữ dưới đây trước khi đọc chúng. Hãy để Tâm thư thái nhất, chỉ chú Tâm vào nội dung từng câu viết, đừng để ý đến người viết ra nó. )

Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Tâm ý giữ trong sạch
Chính lời chư Phật dạy
( kinh Pháp cú câu 183 )

   Trong rất nhiều luận bàn cũng như sách ghi chép lại từ cổ xưa nói về Tâm và Ý thường không rõ được những phạm trù này, thậm chí còn mặc định nó là một. Ngay cả kinh Phật lưu truyền lại thì ở bản chữ pàli dịch qua tiếng Anh nói là Tâm, nhưng sang bản chữ Hán thì là Ý, rồi khi dịch nghĩa sang tiếng Việt cũng là Ý:
Ví dụ câu 1 trong kinh Pháp cú:
- Dịch từ chữ pàli qua tiếng Anh và dịch sang tiếng Việt : 
Trong các pháp, Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo
- Dịch từ bản pàli qua chữ Hán sang tiếng Việt: 
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
như xe, chân vật kéo
   Trong khí đó hai phạm trù Tâm và Ý vẫn được kinh Phật nhắc lại  như một sự tồn tại riêng biệt nhưng luôn đi song hành với nhau ở câu 183 trong kinh Pháp cú ( đã trích dẫn ở đầu trang ).
Đây là một vấn đề trừu tượng và thâm sâu nhất về học thuật nghiên cứu những quy luật của nhân quả, bản thân tôi thấy choáng ngợp và run sợ khi nghĩ tới việc luận bàn, bởi từ vài ngàn năm nay thì có bao nhiêu các bậc cao nhân, chư tăng đã sao chép, gom nhặt để lưu lại những tri thức tối thượng này cho đời chúng ta ngày nay. Nhưng thật tình thì tự Tâm tôi cứ cảm nhận thấy những điều mình đọc được qua kinh sách và những lời giãi bày của rất nhiều người có tìm hiểu, nghiên cứu về đạo Phật vẫn thấy không nêu được rõ ràng hai phạm trù Tâm và Ý, thậm chí còn có quan niệm là một. Qua thời gian may mắn có được duyên dẫn dắt đến với những kinh truyền của Phật, đồng thời tự bản thân tu tập theo phép thiền quán Tứ Niệm Xứ, trong tôi ngày một sáng tỏ hai phạm trù này. Mỗi ngày một nhận thấy rõ ràng hơn về Tâm và Ý và cách thức vận hành tạo nghiệp qua Tâm - Ý - Thân, cảm nhận được Tâm và Ý như là hai thực thể vật chất có thật, rành rành. Có thể có nhiều cách gọi, đặt tên cho hai phạm trù này như Tâm thức, tiềm thức, Tâm và trí ... nhưng nó vẫn đã và đang tồn tại trong chính mỗi con người vậy.
   Cũng từ những giác ngộ khi có duyên tiếp cận những Pháp của Phật và thiền Tứ Niệm Xứ tôi tự nhận thấy sự vận hành, kết hợp và nguyên lý để rèn Tâm sửa Ý thật diệu kỳ. Ở đây, việc rèn Tâm, diều hoà Tâm từ cách dùng Ý thực sự là một môn khoa học có logic, và có được những kết quả vi diệu. Khi đã hiểu và cảm nhận được những luận giải như sẽ trình bày dưới đây thì tôi cũng như quý vị sẽ thấy không có bóng dáng của mê tín, dị đoan trong các Pháp của Phật. 

PHẠM TRÙ TÂM
   Hãy hình dung Tâm ta như một bộ nhớ của các thiết bị vi tính hiện đại ngày nay. Và Tâm sẽ lưu lại tất cả những gì chúng ta thấy, cảm nhận thấy từng giây, từng phút ... cả cuộc đời. Những điều chúng ta muốn hay không muốn cũng được ghi nhận lại và dần dần nó tạo thành tầng tầng lớp lớp lưu trữ ở trong Tâm, khi cần chúng ta có thể lục tìm được chúng hoặc bất chợt chúng hiển hiện lên khiến ý thức chúng ta cảm nhận thấy một cách rõ ràng. 
Khi chúng ta dùng ý chí (Ý ) của mình để theo dõi những gì xuất hiện nơi Tâm ta, ta thấy nó luôn thay đổi và thật khó đoán định. Như khi ta thấy Tâm ta đang chú ý nghe giảng bài thì bất chợt thấy nó lại dẫn ta nghĩ đến muốn nói chuyện với bạn bên cạnh, hoặc như ta đang đọc những dòng chữ này thì Tâm ta lại hiện lên câu hỏi rằng người viết này có đáng tin không hoặc như ôi dào ông này dở hơi viết lung tung, đã làm được cái gì cho đời, hoặc như ta đang nói chuyện với bạn bè thì chợt nghĩ đến công việc cơ quan đang dở dang, vi diệu hơn như khi ta biết một tin về lợi nhuận nuôi cá lồng bè từ một bài viết trên internet và nhân dịp về quê ta kể chuyện lại cho một người bạn thì sau đó một thời gian người bạn đó nuôi cá lồng bè và thu nhập tiền tỷ một năm ... vvv rất nhiều những điều được ghi nhớ trong Tâm và khởi lên trong ta vào một lúc nào đó. Vậy là có tầng tầng lớp lớp những duyên khởi ( gọi chung cho những ký ức đã lưu trữ trong Tâm qua muôn kiếp người ) được lưu trữ trong Tâm để có thể dấy lên bất cứ lúc nào để ảnh hưởng, tạo tác cho ý nghĩ, phân tích của chúng ta. Làm cách nào để chúng ta bóc bỏ chúng ra dần dần dần cho đến khi còn cái Tâm nguyên thuỷ. Tâm nguyên thuỷ được hiểu nôm na như là một chiếc đĩa cd trắng hay một bộ nhớ trống vậy, hay là trạng thái Tĩnh lặng của Tâm, hay như định Tâm trong thiền định. 

   Ta cũng có thể hình dung mỗi chúng ta có một cái Tâm nguyên thể ban đầu vô thức ( như một bộ nhớ trống mới tinh ), rồi khi trải qua một kiếp ( người hay vật hay gì đó ) Tâm sẽ ghi lại tất cả những gì của kiếp đó. Khi thể xác ta mất đi thì những ký ức đó vẫn còn trong Tâm ta, nhưng đã được mã hoá để tiếp đến kiếp sau là một lớp ký ức lại ghi thêm vào, rồi mã hoá để lại ghi tiếp ... Cứ như vậy thì tầng tầng lớp lớp ký ức đã được ghi lại và mã hoá. Các ký ức này có thể hiển hiện, dẫn dắt Ý của ta bất kỳ một lúc nào đó, nhưng với một cách vi diệu mà chúng ta khó mà nắm bắt được cũng như là tìm lại được những ký ức đó ( thực tế thì gần như tất cả chúng ta chỉ có thể tìm thấy những ký ức trong kiếp ta đang sống mà thôi ). Để giải những mã hoá đã khoá chặn sự truy tìm ký ức của chúng ta qua mỗi kiếp như vậy là con đường của Phật, con đường rèn luyện tu tập đã được Phật chỉ ra từ cách đây hơn 2500 năm.

 PHẠM TRÙ Ý
   Ý là cái ý chí, trí tuệ mà chúng ta có được qua quá trình học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm từ lúc sinh ra trong kiếp sống hiện tại này. Cũng từ cái Ý mà ta lĩnh hội được kiến thức từ việc đọc, từ việc nghe, nhìn ... Nếu cái Tâm dẫn dắt chúng ta nhưng Ý chúng ta chưa nắm được, sự phân tích chưa đến độ chín muồi ... coi vậy như chúng ta chưa có duyên để thấu hiểu trong một lĩnh vực nào đó ... Cũng từ cái Ý chúng ta rèn Tâm, sửa Tâm để tạo dựng nhân quả cho kiếp sống của mình.

NGUYÊN LÝ CỦA THIỀN TỨ NIỆM XỨ
   Cũng như việc ta quay tua lại một cuốn băng để trở về điểm đầu tiên của sự ghi nhận thì thiền Tứ Niệm Xứ dùng Ý của mình để niệm ( đọc ) những điều Tâm thấy, Tâm cảm nhận ( là những duyên khởi - những ký ức được lưu lại trong tâm dấy lên hoặc những cảm nhận qua các giác quan của cơ thể ghi vào tâm ở thời điểm đang thiền ). Thời gian đầu thì ý của chúng ta luôn đi sau những điều này, nhưng rồi dần dần việc tu tập của chúng ta tiến triển thì ý đi theo sát, nắm bắt và niệm kịp thời những duyên khởi khiến Tâm luôn được kiểm soát, đồng thời Ý cũng không có thời gian phân tích và điều khiến Thân thể ta được. Khi này ta thấy tất cả mọi thứ ập đến hay những thứ tự gợi lên từ Tâm đều thay đổi liên tục. Khi Ý đuổi kịp duyên khởi nơi Tâm thì chuỗi quan hệ tạo lập Nhân Quả ( TÂM tạo tác Ý, Ý sai khiến Thân và Thân hành động ) bị phá vỡ. Tâm không dẫn dắt ý của ta được và Ý cũng không có đủ thời gian để phân tích rồi sai phái Thân ta hành động để hoàn tất một Nghiệp do Tâm mong muốn ( mỗi khi Ý phân tích là Tâm lại dẫn dắt và ta lại niệm lên khiến Ý không thể chuyển những phân tích đó thành hành động nơi cơ thể chúng ta vậy ) .. Lúc này tương tự như cuộn băng đã tua về điểm đầu, và như vậy Tâm rơi vào trạng thái tĩnh lặng, Thân ( cơ thể ) được nghỉ ngơi. Để đạt được trạng thái này thì chúng ta phải hình dung sự tu tập ý chí ( cái Ý nói ở trên ) phải rất bền bỉ và chăm chỉ cùng với giữ giới trong cuộc sống thường ngày để loại bớt những duyên khởi tạo lên cho Tâm giúp Ý nắm bắt các duyên khởi một cách vi diệu hơn. Quý vị có thể hình dung trạng thái Tâm tĩnh lặng này là ta đã bóc hết các lớp ký ức đã được lưu trữ trong Tâm ta ở trong kiếp này, tương tự như Tâm ta thời điểm trước khi ta ở trong bào thai của Mẹ ( hay còn gọi là giai đoạn sơ thiền )
   Còn qua được giai đoạn sơ thiền này chúng ta sẽ mở các mã hoá bằng thiền TỨ NIỆM XỨ để bước tiếp vào các kiếp tiếp theo trước đó. Cả một thế giới mới mở ra cho chúng ta những điều vi diệu, chúng ta có thể có những khả năng đã có ở những kiếp trước và biết điều hoà được tâm, tĩnh tâm sống an lạc, tạo dựng nhân quả an lành cho kiếp sống của mình. Nhũng luận giải và mô tả tiếp thì thú thực với quý vị là tôi chưa có được khả năng đó, nhưng tự bản thân tôi nhận cảm thấy rõ con đường và ánh sánh chỉ lối của Phật. 

   Chia sẻ những cảm nhận và ý nghĩ ra đây âu cũng là cái thú viết lách và quý vị nào có duyên cảm nhận tương ngộ thì thật là hoan hỷ với bản thân tôi, còn quý vị nào thấy tầm phào, hoang tưởng thì cũng hoan hỷ thông cảm cho những bộc bạch từ suy nghĩ chân thành của tôi vậy. Chúc quý vị may mắn và an lành !