Friday 22 January 2016

Cõi vô thường

Tất cả đều sinh diệt trong vô thường
khoảng khắc lưu lại rồi cũng trôi đi ...
Ngắm hoa thấy đẹp hay tâm tưởng vậy
dù đẹp hay tưởng rồi cũng trôi qua theo thời gian ...
Biết là vậy, thời khắc này thật trân quý


Xuân

Sáng ướt đẫm mưa xuân nơi sân nhỏ
Dạ ngọc minh châu khoe sắc trắng tinh khôi
Từng cánh hoa lan thanh đạm bung nở
Hương hoa lan ngọt mát lạnh trong gió xuân
Nhẹ nhàng khua gáo nước nhỏ
Làn nước len lỏi từng khóm cây.
Tiếng chuông ngân đón gió xuân về,
Làn gió đi xa để lại đây không gian tĩnh lặng
Những cánh hoa rơi trắng góc vườn ... 


Sunday 10 January 2016

Luận bàn về chữ THỌ


CHỮ THỌ " 壽 ",  
Dịch nghĩa: sống lâu, lâu dài, một trong ba điều con người thường mong ước ( Phúc, lộc, thọ ) 
Chữ thọ 壽 được cầu tạo bao gồm các chữ sau kết hợp lại:
- Trên cùng là chữ SĨ  "士" , dịch nghĩa: người có học hỏi, rèn luyện trí thức, xưa thường gọi những người học hành thi cử là " kẻ sĩ ".
- Tiếp đến là chữ CÔNG  " 工" được đặt trong chữ NHỊ " 二 ". Ý nghĩa ở đây là có sự công phu rèn luyện mà mức độ rèn luyện là rất cao ( có thể hiểu là sự công phu rèn luyện được nhân đôi so với bình thường khi chữ công đặt trong chữ nhị vậy ).
- Chữ KHẨU  " 口 " đặt phía dưới cùng, ngang hàng với chữ THỐN " 寸 ". Ở đây chữ khẩu nói về miệng, mà nói về miệng là nói về việc ăn uống và lời nói. Bên cạnh đó chữ thốn là một đại lượng đo lường, một chuẩn mực, điều độ hay một phép tắc. Cụm hai chữ này nói nên rằng một phần quan trọng của sống thọ, sống lâu thì cũng cần phải ăn, nói cho điều độ, khoa học, có chừng có mực. Chúng ta thường nghe câu " bệnh từ miệng ăn vào, hoạ tự miệng nói ra " cũng có ý tương tự về cẩn thận trong ăn và nói vậy.
.........................................................
Lời bàn của tại hạ:
Có thể tóm tắt ý nghĩa ẩn dấu trong chữ THỌ là: Trau dồi tri thức + Công phu luyện tập + Ăn uống, phát ngôn có chừng mực, khoa học và điều độ.
Ngày nay chữ Hán ( chữ nho ) không thông dụng ở Việt Nam chúng ta, nhưng rất nhiều chữ phiên âm Hán Việt còn được sử dụng, vậy nên đôi lúc bàn luận để thấy cái ý sâu xa, cái tư duy logic của người xưa khi tạo lên các con chữ, nét chữ, cũng là chút thư giãn và cảm phục sự uyên thâm của các bậc tiền nhân. Chúc quý vị ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ ! 

Saturday 2 January 2016

Xuân vui !


                      
                      Chú Thập cưới vợ sớm
                      Chắc hẳn Giời mới thuận
                       Nên mưa thật là to.
                      Trai và gái làng bên
                      Cứ như là mới khoác 
                      Trên mình mảng mây trong
                      Quan viên họ nhà Trần
                      Cười chào cô dâu trẻ
                      Gãy mềm những dòng mưa.
                      .......................................
                      Mưa đến rồi mưa tạnh
                      Chồi xuân tràn lộc biếc
                      Người ơi ai có biết
                      Lòng ai đang rộn ràng.

 ( Bài thơ này viết năm 1991 - Chú Trần Thập người làng Trực Trì Nam Sách Hải Dương,  học cùng tôi )

Friday 1 January 2016

Em hay là hư không


Số phận cho tôi là sinh viên kiến trúc 
Hay tôi muốn tự nguyện làm kiến trúc sư
... Đã bao lần tôi đọc về hư không
Và lờ mờ hiểu về cõi đó 
... Nó là quãng lặng của chuỗi âm thanh yên ả
Là những dấu chấm liền của những trang dài tiểu thuyết
Là không gian đa chiều phòng 304
... Tôi cứ đọc và rồi ngẫm nghĩ
Những chồng sách thư viện, ra rồi vào.
Và có lần tôi chợt thấy trong tôi
Cõi hư không tràn vào không cưỡng được
Đó là em với khung cửa mộng mơ.
... Cả đời tôi là chuỗi ngày yên ả
Và tình em là quãng lặng của hư không ... 
( thời SV / 7/7/1992 )


Đời thường



Anh lang thang trong khúc tình đời
của riêng anh ...
Những nốt nhạc loãng tan
... Trời cứ lạnh thêm bởi từng cơn gió
Mùa đông nào chả thế tự ngàn xưa.
Những chén rượu làm vơi đi nỗi nhớ
Nhưng hoen ố bầu trời ước mơ.
... Anh trở về với căn nhà nhỏ
Im lặng trong đông giá đợi chờ
Tay lướt nhẹ những phím đàn quen thuộc
Và cùng với khúc buồn chơi vơi ... 
 ( tại ngôi nhà nhỏ, Thanh Xuân, Hà nội, ngày 8/1/1995 )